|

True Warrior: “Không chỉ là phần mềm, chúng mình xây dựng giải pháp công nghệ ứng dụng cho các bài toán quản trị doanh nghiệp thực tế”

Xin chào, mình là Nguyễn Hồng Quốc Khánh, hiện đang là FullStack Software Engineer tại True Platform. Mình tới với True là một sự tình cờ và chọn ở lại vì sự đặc biệt trong cách thức xây dựng sản phẩm và vai trò của Engineer của một công ty Product-centric. Trước khi vào True, mình đã từng thực tập và làm việc tại 02 công ty, mỗi nơi đều cho mình những trải nghiệm nhất định nhưng vẫn chưa thể nào thỏa mãn được niềm yêu thích làm sản phẩm của mình.

Vào những năm 2020, mình bị thu hút bởi Data Scientist, thứ mà hồi đó người ta mệnh danh là “the sexiest job in the 21st century”. Công việc của mình chủ yếu là research, xây dựng model và test. Sau khi trải nghiệm khoảng 06 tháng, mình thấy rõ sự không phù hợp. Mình thích làm về sản phẩm, về ứng dụng có trải nghiệm người dùng thật, nên mình chuyển qua web. Ở công ty tiếp theo, mình chọn làm Backend Developer để có góc nhìn tốt hơn về mặt hệ thống, database. Công việc của mình làm về API, Database và không tác động được tới Frontend. Mình nhận yêu cầu từ BA và PO, không được tham gia vào toàn bộ quy trình, nên cũng không có tính ownership đối với sản phẩm. Sau một năm với toolset và kỹ năng khá thành thạo, mình muốn chuyển sang một môi trường mới – nơi mình làm sản phẩm thực sự và làm Fullstack.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mình tới với True

Mình tình cờ gặp chị HRD của True trên LinkedIn, được chị chia sẻ về vị trí Software Engineer tại True. Mình cũng tìm hiểu về CEO nên có biết về Base và True. Thời điểm đó, mình bị hấp dẫn bởi vai trò toàn diện của Engineer và nền tảng sản phẩm lớn với nhiều bài toán thú vị mà True đang hướng tới. Mình ứng tuyển, tham gia phỏng vấn cùng CEO và Manager, biết và được truyền cảm hứng về câu chuyện True xây dựng giải pháp công nghệ, biết mình sẽ làm được gì, có đóng góp và tác động như thế nào tới sản phẩm. Mình quyết định đến với True và bắt đầu hành trình xây dựng những sản phẩm giá trị.

Ở True, Engineer không đơn thuần chỉ là code

Engineer ở True và Base có những điểm hoàn toàn khác biệt so với những trải nghiệm trước đó, mình gọi đó là “vai trò toàn diện”. 

Mình không chỉ là Engineer mà còn là BA, Designer và Tester. Mình nhận bài toán cần giải quyết, cùng BA phân tích vấn đề và nghiên cứu các sản phẩm tương tự trên thị trường, so sánh và đưa ra giải pháp của mình dựa trên bối cảnh và nguồn lực của Base và True. Mình phát triển sản phẩm, làm cả Backend và Frontend, thiết kế database và giao diện tích hợp làm sao mang lại trải nghiệm người dùng thật tốt. Với mình, định nghĩa FullStack Software Engineer tại True và Base rất khác với thị trường, mang tính ownership khi Engineer là người có quyền và trách nhiệm cao nhất với sản phẩm, là người hiểu rõ bài toán, định hình giải pháp và trực tiếp xây dựng sản phẩm 

Mình luôn được tạo không gian và khuyến khích để phát triển

Tại True và Base, mình được khuyến khích để học và phát triển rất nhiều thông qua đọc sách, tài liệu, các buổi techtalk, seminar hàng tuần. Mình được định hình và phát triển về tư duy, phương pháp luận và kỹ thuật trong việc làm sản phẩm. Ở các công ty trước, mình chủ yếu được đào tạo và chỉ dẫn về kỹ thuật, quen dạng, quen kỹ năng để khi có yêu cầu thì mình áp dụng kỹ thuật là xử lý được. Ở True và Base thì khác, bởi mình không chỉ là làm sản phẩm, mình còn phải đào sâu nghiên cứu bài toán khách hàng đưa ra, xác định tư duy và phương pháp đúng. Từ đó mới đưa ra được giải pháp công nghệ tối ưu.

Ở True và Base, không chỉ là phần mềm, chúng mình xây dựng giải pháp công nghệ ứng dụng thực tế vào các bài toán quản trị doanh nghiệp

Về bản chất, mình nhận bài toán là nhu cầu thực tế khi sử dụng sản phẩm của khách hàng chứ không nhận phát triển tính năng. Từ bài toán, mình xây dựng tính năng phù hợp và có thể mở rộng phát triển thêm sau này. Một trong những bài toán khó dành cho mình gần đây là về Chuyển hóa dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm quản trị công việc khác vào hệ thống dữ liệu của Base một cách tối ưu.

Hiện nay các doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm ERP, hoặc các phần mềm quản lý công việc như Trello, Asana,… Khi chuyển sang Base, doanh nghiệp sẽ phải chuyển toàn bộ dữ liệu tại các phần mềm đang sử dụng sang nền tảng Base, như thế tốn rất nhiều thời gian và công sức. Với những doanh nghiệp lớn, lượng dữ liệu hàng TB (terabyte) thì làm sao có thể dịch chuyển dữ liệu sang Base một cách nhanh chóng mà không bị mất thông tin?

Mình đã cùng BA phân tích thị trường và cách thức đưa dữ liệu vào hệ thống. Giải pháp thường thấy là import dữ liệu vào hệ thống qua một cổng dữ liệu và export dữ liệu trong hệ thống ra file excel (để thuận tiện khi làm việc với khách hàng) và file chuẩn JSON (chuẩn chung của Developer để các hệ thống giao tiếp với nhau). Vì vậy, việc mình cần làm là thiết kế một cổng dữ liệu chuẩn để sau này bất kì khi nào muốn chuyển hóa dữ liệu vào Base từ bất kì hệ thống phần mềm nào đều có thể làm được một cách nhanh chóng và tiện lợi. 

Trước đây công ty chủ yếu dùng excel, chưa có chuẩn JSON để thao tác và chuyển bất kỳ dạng dữ liệu nào vào hệ thống một cách dễ dàng. Vì thế, đây sẽ là giải pháp tối ưu hơn những giải pháp trước đó mà công ty sử dụng.

Sau khi thống nhất giải pháp, mình làm việc cùng BA xem dữ liệu các hệ thống phần mềm và dữ liệu khách hàng đưa ra như thế nào, từ đó thống nhất file data thuận tiện cho khách hàng, review giải pháp và tiến hành code. Ngay trong quá trình code, mình sẽ vận dụng những kỹ thuật và phương pháp học được trong quá trình L&D như Tracer Bullet (Phương pháp Đạn truy vết) hay Rapid Feedback (Phản hồi nhanh chóng) để nhìn thấy luồng chạy để export dữ liệu vào một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Khi đã có giải pháp thì cần vận dụng kỹ thuật và phương pháp đã học trong L&D để phát triển sản phẩm thật nhanh.

Sau tất cả, mọi bài toán đều sẽ có giải pháp

Trong quá trình xây dựng sản phẩm, có những lúc mình chán nản khi nghĩ mãi không xong một vấn đề, mình đã vật lộn mấy ngày để nghĩ ra chuẩn format của JSON hay file excel. Nhưng mình luôn có niềm tin rằng, mình sẽ tìm ra được format chuẩn, mình sẽ xây dựng được cổng dữ liệu này để có thể giải quyết bài toán một cách tối ưu, khiến khách hàng của mình hài lòng và sản phẩm có thể mở rộng hơn nữa. Khi lượng dữ liệu càng lớn, cổng dịch chuyển dữ liệu càng tối ưu và hiệu quả hơn. 

Dù bài toán khó thế nào, mình nghĩ sẽ luôn có giải pháp nếu như mình thực sự đặt tâm và luôn nỗ lực để hướng tới. Và mình thực sự đã làm được.

Nếu như bạn cũng yêu thích làm sản phẩm, sẵn sàng thách thức sự phát triển cá nhân, đừng ngại ngần ứng tuyển vào True cùng mình nhé!

Similar Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *